Trong quá trình mang thai, có rất nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng đau nhức toàn thân, đặc biệt là đau lưng. Khi đó, các mẹ bầu thường sẽ thực hiện động tác vặn mình để xoa dịu cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, liệu bà bầu có được vặn lưng không? Có gây ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không? Để có câu trả lời cho vấn đề này, các mẹ hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé !
Mẹ bầu có được vặn lưng không ?
Mang thai là một trải nghiệm hạnh phúc và quý giá của mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, hành trình này không chỉ có những niềm vui mà còn có vô vàn những nỗi vất vả và bất tiện mà chỉ mẹ bầu mới thấu hiểu được hết. Ví dụ như vào những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi sẽ phát triển to lên, tử cung trở nên nặng hơn nên trọng tâm của cơ thể mẹ bầu lúc này sẽ dồn về phía trước.
Để giữ thăng bằng, phần vai và đầu của sản phụ sẽ phải di chuyển ngược về phía sau. Điều này vô tình khiến cho cơ lưng bị căng, dẫn đến tình trạng đau nhức, mỏi lưng, vai, gáy, chân…vào các tháng cuối của thai kỳ. Khi đó, có nhiều mẹ bầu sẽ thực hiện động tác vặn mình để giúp làm giảm cảm giác nhức mỏi.
Tuy nhiên, cơ thể của phụ nữ mang thai rất nhạy cảm, mỗi một động tác, hành động nhỏ đều có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của thai nhi. Chính vì vậy, có rất nhiều mẹ bầu lo sợ, hoang mang không biết liệu bà bầu có được vặn lưng không? Có an toàn cho thai nhi không?
Lý giải vấn đề này, các bác sĩ chuyên khoa cho biết; việc mẹ bầu vặn mình không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nếu như mẹ chú ý thực hiện nhẹ nhàng, và không đi kèm các dấu hiệu căng cơ, trật khớp hay đứt, giãn dây chằng. Nói chung là các thai phụ vẫn có thể vặn mình để xua tan cảm giác nhức mỏi nhưng phải chú ý thực hiện đúng cách để tránh bị chấn thương.
Bà bầu có được vặn lưng không? Thế nào là vặn mình sai cách ở mẹ bầu ?
Như chia sẻ ở trên, việc vặn mình sai cách có thể gây ra những chấn thương ở vùng lưng của sản phụ. Do đó, các mẹ bầu phải chú ý vặn mình một cách thật nhẹ nhàng để làm dịu cảm giác nhức mỏi.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mẹ bầu vặn mình quá mạnh làm cho dây chằng thắt lưng bị tổn thương và kéo giãn bất thường. Điều này lại càng dễ xảy ra trong quá trình mang thai khi mà hệ thống các cơ, dây chằng phải dày lên và giãn ra để thích ứng với sự phát triển của thai nhi.
Khi bị giãn dây chằng thắt lưng, mẹ bầu thường sẽ có những biểu hiện dưới đây: đau nhức âm ỉ, dữ dội vùng lưng, cảm thấy đau khi cúi gập hoặc xoay người, các khớp bị viêm, sưng đỏ. Trong trường hợp này, các mẹ bầu không nên cử động để tránh khiến tình trạng tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời, nên khẩn trương đi đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có biện pháp xử lý kịp thời.
Một số biện pháp tránh mệt mỏi và căng thẳng cho mẹ bầu
Đau mỏi cơ thể khi mang thai là một tình trạng khá phổ biến, xảy ra ở khoảng 80% sản phụ, gây ra nhiều bất tiện trong đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, các chị em khi mang thai lại không thể vặn mình một cách thoải mái để xoa dịu cảm giác khó chịu này. Thấu hiểu được điều này, ở phần thông tin dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ cho mẹ bầu một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng đau mỏi hiệu quả và rất dễ thực hiện.
Sửa lại tư thế đúng cho mẹ
Các mẹ bầu nên chú ý điều chỉnh tư thế của mình sao cho đúng chuẩn để tránh bị đau lưng. Nên đứng thẳng người, ưỡn ngực, vai hạ và buông xuôi tự nhiên. Khi phải ngồi một chỗ trong thời gian dài, mẹ bầu có thể đặt một chiếc gối lót phía sau phần thắt lưng để cảm thấy êm ái và dễ chịu hơn. Ngoài ra, các mẹ bầu cũng không nên cúi người xuống quá phần thắt lưng. Nếu muốn nhặt các vật dụng từ dưới lên, các mẹ bầu nên từ từ ngồi xổm xuống, uốn cong đầu gối nhưng vẫn giữ phần cột sống lưng thẳng.
Luyện tập các bài vận động nhẹ nhàng
Thay thế cho việc vặn mình, các mẹ bầu có thể thực hiện các bài vận động nhẹ nhàng để làm giảm bớt các cơn đau mỏi. Việc tập luyện một cách vừa phải khi mang thai không chỉ giúp giữ cho cột sống lưng chắc khỏe, nâng cao tính linh hoạt, dẻo dai cho cơ thể. Mà còn thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và làm giảm căng thẳng, áp lực cho bà bầu.
Dưới đây là một số bộ môn thể thao tốt cho sức khỏe bà bầu mà các bạn có thể tham khảo:
- Bơi lội
Đây được xem là hoạt động thể chất rất tốt cho mẹ bầu. Bộ môn này ít tác động đến khớp và dây chằng của bạn bởi nước hỗ trợ cơ thể bạn. Không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn giúp nâng cao sức bền và sự dẻo dai. Điều này tốt cho quá trình vượt cạn sắp tới, giúp ngăn ngừa các biến chứng khi sinh. Bên cạnh đó, bộ môn thể thao này cũng có thể cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn và giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Đi bộ
Đi bộ là bài tập tim mạch tốt nhất cho sản phụ, giúp cải thiện độ dẻo dai, linh hoạt cho đầu gối hay mắt cá chân. Ngoài ra, bài tập này còn giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón, làm giảm căng thẳng và đau nhức khi mang thai. Mẹ bầu có thể rủ bạn bè hoặc người thân cùng đi để trò chuyện và có thêm động lực duy trì bài tập.
Chú ý khi đi bộ nên nhìn hướng về phía trước, giữ thẳng dáng người để trọng lượng cơ thể được phân chia đều chứ không tập trung về phần lưng gây ra cảm giác đau mỏi. Ngoài ra, các mẹ bầu nên lựa chọn các đôi giày mềm, vừa chân, bảo vệ da với kem chống nắng và bổ sung đủ nước cho cơ thể.
Nếu chưa quen, các mẹ bầu hãy bắt đầu đi bộ 3 lần/ tuần, mỗi lần khoảng từ 15 – 20 phút. Sau đó, dần tăng tần suất lên 4 ngày/ tuần. Sau khi đi bộ, các mẹ bầu có thể thưởng thức một bữa ăn nhẹ để tiếp thêm dưỡng chất và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Một số hình thức tập thể thao mà mẹ bầu cần tránh trong thai kỳ:
- Các bộ môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực, có nguy cơ va chạm vùng bụng như: bóng đá, bóng chuyền, boxing, các bộ môn võ thuật…
- Các bộ môn thể thao dễ bị té ngã và chấn thương như: cưỡi ngựa, trượt băng, lướt ván, leo núi, lái xe đạp địa hình…
Việc tập các bộ môn thể thao đối kháng, đòi hỏi nhiều sức lực như trên có thể gây tổn hại cho sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai nhi.
Đi giày đế thấp, tránh xa giày cao gót
Giày cao gót sẽ thay đổi tư thế tự nhiên của mẹ bầu, toàn bộ trọng lượng của cơ thể sẽ dồn về phía trước và tăng sức ép lên vùng hông và đốt sống lưng. Khi thai nhi ngày càng phát triển to lên, cũng sẽ tạo áp lực lên hệ thống dây chằng dưới. Từ đó, gây ra cảm giác đau nhức ở lưng, hông,… Do đó, các bà bầu không nên đi giày cao gót. Tốt nhất là nên lựa chọn những đôi giày thoải mái, mềm mại, có đế bằng và thấp.
Massage bầu giúp mẹ thư giãn, giảm thiểu đau nhức
Trước khi đi ngủ vào buổi tối, các mẹ bầu có thể nhờ chồng xoa bóp lưng hoặc bất kỳ vùng nào bị nhức mỏi. Việc massage nhẹ nhàng sẽ giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu, thả lỏng, thư giãn các cơ, từ đó xua tan cảm giác đau mỏi ở lưng. Đồng thời, các sản phụ cũng có thể sử dụng túi nước nóng chườm lên lưng để giảm bớt triệu chứng đau nhức.
>>> XEM THÊM: Bụng bầu thấp có sao không?
Các tư thế ngủ mẹ bầu nên tránh
Một số tư thế ngủ mà các sản phụ cần nên tránh bao gồm:
Tư thế nằm ngửa
Từ tuần thai thứ 24, sản phụ không nên nằm ngửa vì tư thế nằm này sẽ làm tăng áp lực lên cột sống, cơ lưng và các mạch máu lớn, từ đó dẫn đến hiện tượng đau lưng. Hơn nữa, tư thế nằm ngửa có thể chèn ép lên ruột và các mạch máu lớn, từ đó khiến cho các mẹ bầu gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa. Các mẹ bầu thường xuyên nằm ngửa cũng có nguy cơ cao bị tụt huyết áp, chóng mặt, tăng cân, thậm chí còn có thể mắc phải hội chứng ngừng thở trong lúc ngủ vô cùng nguy hiểm.
Nằm sấp hoặc gục xuống bàn
Nhiều mẹ bầu có thói quen chợp mắt buổi trưa bằng việc ngủ gục đầu xuống bàn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tư thế ngủ này có thể tác động xấu đến sức khỏe của cả sản phụ và thai nhi.
Việc nằm sấp có thể làm gia tăng áp lực lên phổi, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, cơ thể sẽ thiếu bị oxy. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Để đảm bảo mang thai an toàn, thay vì ngủ gục xuống bàn, các mẹ bầu nên đặt một chiếc gối mềm sau ghế để có thể ngả lưng một chút vào buổi trưa.
Lời khuyên từ bác sĩ, tư thế ngủ tốt nhất dành cho các mẹ bầu là tư thế nằm nghiêng về bên trái. Kiểu nằm này sẽ giúp giữ tử cung không chèn ép lên gan hoặc các tĩnh mạch chủ dưới. Tư thế này còn làm tăng lưu lượng máu đến tử cung và nhau thai, từ đó giúp thai nhi được cung cấp đầy đủ oxy.
Các mẹ bầu cũng có thể kê những chiếc gối dài mềm ở phía trước và phía sau để làm giảm trọng lượng của bụng, giữ thẳng cột sống lưng. Việc làm này có thể mang đến cảm giác êm ái và dễ chịu cho mẹ bầu, giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn.
Mong rằng qua bài viết, mẹ bầu có thể giải đáp được băn khoăn bà bầu có được vặn lưng không? Đồng thời, bỏ túi được một số bí quyết làm giảm đau mỏi cơ thể hiệu quả. Nếu như còn bất kỳ thắc mắc nào, chị em có thể gọi đến số 0338.12.14.12 để được các bác sĩ hỗ trợ sớm nhất.